5 câu chuyện ý nghĩa thay đổi cách nhìn về cuộc sống
Nguồn: dkn.tv
Dưới đây là 5 câu chuyện ý nghĩa về cuộc sống. Mỗi chúng ta có thể có những cảm nhận khác nhau và tự tìm thấy bài học cho riêng mình. Hãy cùng đọc và chia sẻ suy nghĩ của riêng bạn.
Tôi là ai?
Tôi sinh ra trong một căn nhà gỗ nhỏ. Cha mẹ tôi là những nông dân thất học và mù chữ của vùng nông trại ở Kentucky, nước Mỹ.
Khi tôi 7 tuổi, gia đình tôi bị buộc phải rời khỏi căn nhà mà chúng tôi gắn bó. Kể từ đó, tôi phải làm việc cật lực để phụ giúp gia đình.
Ở tuổi lên 9, mẹ tôi qua đời.
Ở lứa tuổi 20, tôi rời vùng rừng núi hẻo lánh để tìm đường tiến vào thế giới văn minh, giống như một gã trai kỳ dị, không bạn bè, không học thức, không một xu dính túi.
22 tuổi, tôi mất việc ở vị trí một nhân viên bán hàng. Tôi muốn theo học ngành luật, nhưng học vấn của tôi lại không đủ điều kiện vào trường.
23 tuổi, tôi chấp nhận nợ nần để cùng với đối tác mua chịu một cửa hàng tạp hóa nhỏ.
26 tuổi, đối tác qua đời, để lại tôi với món nợ chồng chất mà có lẽ phải cần rất rất nhiều năm sau tôi mới có thể trả hết được.
28 tuổi, sau 4 năm kiên trì theo đuổi một cô gái, tôi ngỏ lời cầu hôn nhưng bị khước từ.
37 tuổi, phải đến lần thứ ba nỗ lực, tôi mới được bầu vào Quốc hội Mỹ. Nhưng lại sớm thất bại cho cuộc tái bầu cử 2 năm sau đó.
41 tuổi, đứa con trai 4 tuổi của tôi qua đời.
45 tuổi, tôi lại chạy đua vào Thượng viện nhưng bất thành.
47 tuổi, tôi thất bại cho vị trí ứng cử viên phó tổng thống.
51 tuổi, tôi đắc cử trong cuộc bầu chọn Tổng thống Hoa Kỳ.
Và tôi là ai? Tên tôi là Abraham Lincoln.
Lời khuyên?
Dưới đây là một câu chuyện ý nghĩa khác với câu hỏi mở đầu: Nếu là bạn, bạn có đồng ý nạo thai trong những trường hợp này?
1. Một nhà thuyết giáo sống cùng với vợ con trong một căn nhà rất, rất, rất nghèo. Họ đã có với nhau 14 mặt con, rồi một ngày người vợ phát hiện bà đang mang thai đứa con thứ 15. Họ có nên bỏ đứa con này không khi mà gia cảnh đã quá bần cùng và túng thiếu?
2. Người đàn ông da trắng cưỡng hiếp một bé gái da đen 13 tuổi, khiến cô bé mang thai. Cô có nên để đứa bé chào đời hay không?
3. Một thiếu nữ mang thai từ khi còn rất trẻ. Cô chưa từng kết hôn, và vị hôn phu của cô cũng không phải là cha đứa trẻ này. Cô có nên giữ lại đứa bé hay không?
Nếu bạn đồng ý để họ nạo thai, vậy trong trường hợp đầu tiên, bạn đã để mất John Wesley, một trong những nhà thuyết giáo, mục sư, và nhà thần học vĩ đại nhất của thế kỷ 19. Trong trường hợp thứ hai, bạn đã đánh mất Ethel Waters, ca sĩ gốc Phi hát nhạc blues, jazz và phúc âm được người Mỹ yêu mến; Còn trong trường hợp thứ ba, thế giới sẽ mất đi một bậc thánh nhân – Chúa Jesus.
Câu chuyện quả táo
Một em bé đáng yêu đang cầm hai quả táo trong tay. Mẹ em bước vào phòng và mỉm cười hỏi cô con gái nhỏ: “Con yêu, con có thể cho mẹ một quả táo được không?”
Em bé ngước nhìn mẹ trong một vài giây, rồi sau đó lại nhìn xuống từng quả táo trên hai tay mình. Bất chợt, em cắn một miếng trên quả táo ở tay phải, rồi lại cắn thêm một miếng trên quả táo bên tay trái.
Nụ cười trên gương mặt bà mẹ bỗng trở nên gượng gạo. Bà cố gắng không để lộ nỗi thất vọng của mình.
Sau đó, cô gái nhỏ giơ lên một trong hai quả táo vừa bị cắn lúc nãy và rạng rỡ nói: “Quả táo này dành cho mẹ nhé, nó ngọt hơn đấy ạ!”
Vở kịch đêm Giáng sinh
Wally là một đứa trẻ vụng về và nhút nhát trong câu lạc bộ những đứa trẻ ở nhà thờ. Mỗi khi Giáng sinh đến gần, nhà thờ lại tổ chức một buổi tiệc với vở kịch do chính các em nhỏ tham gia. Giáo viên đã phân vai cho những em nhỏ ưu tú, nhưng còn Wally, cậu bé nên đảm nhận vị trí nào?
Sau một hồi cân nhắc, người giáo viên quyết định trao cho Wally vai diễn ông chủ nhà trọ. Đây là một vai diễn quan trọng, nhưng yêu cầu lại vô cùng đơn giản: Wally chỉ cần đứng lắc đầu và lặp đi lặp lại lời thoại này: “Xin lỗi, nhưng chúng tôi đã hết phòng rồi”. Gương mặt Wally trở nên rạng rỡ khi cậu bé được phân vai. Cậu bé hồi hộp đếm từng ngày chờ đợi buổi biểu diễn chính thức bắt đầu.
Cuối cùng, ngày ấy cũng đến. Vở kịch được tiến hành đúng như kế hoạch: Mary và Joseph tới thăm thành phố Bethlehem và ghé vào quán trọ của Wally. Joseph gõ cửa: “Xin hỏi, chúng tôi có thể đặt phòng tại đây không?” Wally lắc đầu trả lời rằng: “Xin lỗi, thưa ngài, nhưng chúng tôi đã hết phòng rồi”.
Theo đúng kịch bản, Joseph và Mary sẽ chào tạm biệt trước khi quay về từ nhà trọ của Wally. Nhưng Joseph là một cậu bé tự tin và đặc biệt lém lỉnh. Joseph quyết định tăng thêm phần kịch tính cho vở kịch. “Thưa ngài”, Joseph nói với ông chủ nhà trọ, “vợ tôi đang mang bầu và chúng tôi cần có phòng để nghỉ lại qua đêm. Ngài có thể vui lòng tìm cho chúng tôi một căn phòng nào đó không?” Khuôn mặt Wally bỗng sững lại – điều này không có trong kịch bản, cậu phải làm sao đây? Wally ngập ngừng một chút trước khi lặp lại dòng hội thoại: “Xin lỗi, nhưng chúng tôi đã hết phòng rồi”.
“Nhưng thưa ngài”, Joseph lại nói, “chúng tôi đã phải đi một chặng đường rất dài và giờ đây chúng tôi không còn nơi nào khác để đi nữa. Vợ tôi cũng mệt lắm rồi… Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác, nhất định phải có một căn phòng…” Wally cúi gầm mặt xuống, lắc đầu, và trả lời: “Nhưng chúng tôi không còn phòng nữa”.
Tỏ ra thất vọng, Joseph và Mary quay gót ra về. Còn Wally, cậu bé như đã nhập tâm vào vai diễn của mình, cảm thấy vô cùng xấu hổ và buồn bã. Một giọt nước mắt lăn dài trên má. Rồi cậu gọi to lên: “Đợi đã, xin hai người quay lại. Các bạn có thể sử dụng phòng của tôi!”
Chiếc giường bên cửa sổ
Có hai bệnh nhân nặng được xếp chung một phòng trong bệnh viện. Người đàn ông ở chiếc giường kê sát cửa sổ được phép ngồi dậy khoảng 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Người đàn ông còn lại ở chiếc giường kế bên, và phải nằm cả ngày bất động trên giường.
Họ nhanh chóng làm bạn và vui vẻ chuyện trò với nhau. Họ kể cho nhau nghe về cuộc sống của mình, về gia đình, vợ, và những đứa con bé nhỏ của họ ở nơi quê nhà, về công việc và những tháng ngày phục vụ trong quân ngũ, hay về những kỷ niệm ngọt ngào khi họ còn độ tuổi thanh xuân.
Mỗi buổi chiều, người đàn ông bên cửa sổ lại ngồi dậy. Ông nhìn ra phía bầu trời cao xanh vời vợi, nơi cuộc sống vẫn hối hả tiếp diễn qua khung cửa nhỏ. Rồi ông say sưa kể cho bạn mình những gì ông nhìn thấy.
Đối với cả hai, đây là khoảng thời gian đẹp nhất trong ngày để tạm quên đi 4 bức tường trống trải và ảm đạm của bệnh viện. Qua ô cửa sổ, họ lại thả hồn mình vào cuộc sống tươi đẹp. Bầu trời như rộng mở, cả thế giới cũng như ùa vào để sưởi ấm căn phòng lạnh lẽo. Khung cửa sổ nhìn xuống một công viên xanh mát với chiếc hồ có những con thiên nga lướt mình trên mặt nước. Trên bờ, hai đứa trẻ đang nô đùa và cùng nhau xây một lâu đài cát. Dưới gốc cây gần đó là chiếc ghế đá, nơi hẹn hò của các cặp tình nhân. Xa xa là những hàng cây rậm rạp và đường chân trời trải dài ngút tầm mắt.
Mỗi khi nghe anh bạn cùng phòng miêu tả, người đàn ông trên chiếc giường kế bên lại khép mắt lại để tưởng tượng về một bức tranh cuộc sống rộn ràng.
Một ngày nọ, khi y tá mang nước sinh hoạt đến như thường lệ, họ bỗng phát hiện người đàn ông trên chiếc giường gần cửa sổ đã qua đời. Ông ra đi trong một giấc ngủ yên bình. Y tá cùng các nhân viên bệnh viện vội vàng đưa thi thể của ông ra ngoài. Giờ đây, chỉ còn lại một bệnh nhân duy nhất trong phòng. Ông ngỏ ý muốn được chuyển đến chiếc giường kê gần cửa sổ.
Nằm bên cạnh ô cửa, nơi chất chứa cả hy vọng và một giấc mơ đẹp về thế giới bên ngoài, ông nhẹ nhàng và chậm dãi, gắng gượng sức mình để ngước nhìn ra bầu trời bên kia khung cửa.
Biết bao ấp ủ, biết bao đợi chờ, biết bao trông ngóng được hòa mình vào cuộc sống thực tại ngoài kia…
Nhưng thật bất ngờ, tất cả những gì ông có thể thấy chỉ là một bức tường trống trơn.
Quá sững sờ, ông hỏi lại người y tá, rằng những gì ông đang thấy khác quá xa với những điều mà người bạn cùng phòng trước kia vẫn kể lại cho ông. Đến lúc này, y tá mới tiết lộ rằng người bệnh nhân vừa mới qua đời ấy vốn bị mù lòa… Nghe xong, người đàn ông thấy lòng mình trĩu nặng…
Cuộc sống là vậy, cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay thì điều duy nhất còn lại là những gì bạn đã cho đi, đã cống hiến, đã đem đến hạnh phúc và hy vọng cho mọi người xung quanh. Đó là món quà diệu kỳ và ý nghĩa nhất mà tiền bạc hay vật chất cũng không thể nào mua được.
Hồng Liên sưu tầm và biên dịch
Nhận xét
Đăng nhận xét